Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Tin tức
Xuất ngoại tìm… trầm
Xuất ngoại tìm… trầm
Lào, Campuchia hay Malaysia bây giờ đã là địa bàn săn trầm của nông dân Đại Lộc (Quảng Nam). Những chuyến xuất ngoại mang theo sự háo hức, kỳ vọng, song đổi lại họ được gì ngoài nước mắt, hiểm nguy thậm chí phải nhờ may mắn mới giữ được mạng sống?
Từ một đầu mối người bản địa, nông dân Đại Lộc đã mua vé máy bay sang Malaysia du lịch, sau đó đổ bộ vào những cánh rừng nguyên sinh ở thủ đô Kuala Lumpur tìm trầm.
Bán heo xuất ngoại
Anh Võ Đức Cảnh (1968) ở làng Phú Phước (Đại Phong, Đại Lộc), một trong 3 người của xã xuất ngoại sang Malaysia săn trầm vừa trở về, kể lại: Vào cuối năm 2011, trong khi đang khăn gói cùng bạn tìm trầm ở Kon Tum, bất ngờ anh gặp một nhóm bạn đồng nghiệp ở Phú Yên. Trong lúc nghỉ ngơi trò chuyện, nhóm này than thở, tìm trầm ở mình giờ khó quá. Trầm thì có hạn mà người tìm thì đông lên từng ngày, thành thử nhiều chuyến ròng rã đi cả tháng, tốn bao tiền bạc, công sức mà thu nhập chẳng bõ bèn. Họ bảo, sau chuyến này, sẽ xuất ngoại sang Malaysia hành nghề. Nghe phong thanh bên đó toàn rừng nguyên sinh, dân họ lại giàu, chẳng ai thèm mưu sinh bằng nghề mò kim đáy bể này.
Trầm hương |
Thú thực, đã đi trầm hơn 30 năm nhưng chưa lúc nào anh Cảnh nghĩ chuyện ra nước ngoài làm nghề. Nhưng nghe bạn nói mùi mẫn, anh cũng quyết thử một phen, biết đâu số hên lại trúng kỳ nam, đổi đời như chơi? Về bàn với vợ bán đàn heo đang nuôi trong chuồng được hơn chục triệu, anh điện cho bạn ở Phú Yên, hẹn nhau cùng đi xe đò vào TPHCM rồi bay sang Malaysia. Khi mới đề xuất chuyện bán heo để xuất ngoại, vợ anh liền gạt đi, bảo người ta xuất khẩu lao động có nghề nghiệp ổn định còn chẳng ăn thua gì nữa là mình sang cù bất cù bơ, tìm trầm không thấy, biết có còn đường về quê? Bao năm anh săn trầm thất bát, mình chị ở nhà phải lam lũ bám vài thước đất cùng với đàn heo nuôi hai con nhỏ. Tìm trầm quanh trong vùng đã đủ khổ rồi, nay lại xuất ngoại nữa, tiền đâu mà rắc? Giận chồng thì nói vậy, nhưng sau nhiều đêm rỉ tai vợ về miền đất hứa với những cánh rừng nguyên sinh, đi vài bước là có trầm, dần dà chị cũng thuận theo. Bấm bụng bán đàn heo đang tuổi ăn tuổi lớn lấy tiền cho chồng xuất ngoại mà chị tiếc hùi hụi. Những ngày anh mới đi, chị luôn mong anh may mắn tìm được trầm quí, đổi đời. Nhưng hơn một tuần không thấy tin chồng, chị lo lắng, chỉ mong sao anh bình an trở về.
Vào rừng là có trầm
Với hộ chiếu du lịch 1 tháng, khi vừa đáp xuống sân bay Kuala Lumpur, anh Cảnh và nhóm bạn được một ông chủ người Tàu có vợ Việt ra đón rồi đưa về dãy nhà trọ của họ. Tại đây, anh Cảnh gặp nhiều bạn trầm khác đến từ Khánh Hòa, Phú Yên... Họ cũng sang đây theo diện du lịch nhưng mục đích chính là săn trầm. Sau khi cơm nước, nghỉ ngơi, ngay hôm sau anh được ông chủ chở bằng xe hơi ra cánh rừng nguyên sinh ven thủ đô để bắt đầu săn trầm. Nhóm của anh gồm 3 người, đều ở Đại Phong, mang khoảng 15kg gạo, cá khô, rựa, cuốc... Đi bộ nửa ngày đường vào tới rừng, họ bắt đầu căng bạt, nhóm lửa, cúng thổ địa, cầu mong mọi chuyện bình an trước khi tiến hành tìm trầm. Anh Châu Ngọc Xuân (1960) thành viên trong nhóm kể, tìm trầm bên đó dễ gấp 10 lần bên mình. Bởi vì bên đó rừng nguyên sinh, rất nhiều cây dó cho trầm chưa bị hạ gục. Việc khai thác gỗ rừng bên đó được thực hiện bài bản, chỉ cây nào đủ tuổi mới cưa, chứ không theo kiểu tận diệt như rừng ở mình (có khi chỉ khai thác một cây gỗ nhưng phá cả khoảng rừng, khai thác tới đâu, dọn tróc trụi đến đó).
Theo anh Xuân, nếu không bị ép giá, mỗi chuyến đi Malaysia phải thu vài trăm triệu đồng |
Mặt khác, do dân Malaysia có mức sống cao, không làm nghề khai thác trầm, lại theo đạo Hồi, không ăn thịt động vật, thú rừng, thậm chí có cơ chế bảo vệ động vật khắt khe, phạt nặng những ai săn bắn. Nhờ thế, những cánh rừng nguyên sinh của Malaysia được bảo tồn. Trong 10 cây dó mà nhóm chọn đóng đều cho nhựa, nghĩa là có trầm. “Ở đây chẳng cần kinh nghiệm hay kỹ thuật gì, dân mới học nghề tìm trầm cũng dễ dàng kiếm được trầm sau vài ngày đi rừng” – anh Cảnh bộc bạch. Vì sẵn trầm nên người Việt sang đây tìm khá nhiều, đến nỗi dù là rừng Malaysia mà vào đó toàn giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, cứ ngỡ như đang ở rừng Quảng Ngãi hay Kon Tum vậy, anh Cảnh cho biết thêm.
Nước mắt xứ người
“Khi cầm tiền bán trầm mà rưng rưng nước mắt. Không phải vì mừng mà vì uất ức”- anh cảnh nói. Đúng ra mỗi ki-lô-gam trầm chất lượng thế ở Việt Nam phải bán được 60-70 triệu đồng/kg, nhưng bên đó bị ép giá chỉ còn 2 triệu đồng/kg. Các thương lái ở đây biết tỏng người Việt sang tìm trầm, không bán ở đây thì cũng không mang về nước được nên ép giá. “Cũng phải bấm bụng mà bán thôi. Du lịch có 1 tháng, mất hơn 20 ngày tìm trầm, không bán sẽ hết hạn hộ chiếu, chưa nói ở lại một ngày là chủ trọ chặt chém tiền ăn, ở ngày đó. Thậm chí, không bán, họ cho thì cũng chỉ đem đi làm củi chứ biết làm gì” – anh Cảnh ngậm ngùi. Khi lên máy bay về nước, anh em trong nhóm cứ tiếc hùi hụi.
Anh Cảnh bảo "về được với vợ con là mừng rồi" |
Nghĩ lại những ngày ăn đói mặc rét trong rừng, đối mặt với thú dữ, với hiểm nguy lại càng uất ức. Chuyến xuất ngoại xứ người những tưởng sẽ mở ra con đường mới, hướng đi mới làm ăn, đổi đời, ai dè tính ra mỗi người lỗ hơn 10 triệu. Anh Cảnh kể, một thẻ rau muống vài cọng tới 35 ngàn, đấy là chưa nói tới các chi phí khác. Vì sinh hoạt quá đắt đỏ, thành thử lỗ là chuyện dễ hiểu. Anh Xuân bảo, may mắn về được tới nhà là tốt rồi. Có cái bữa đang đi trong rừng sâu, gặp con gấu, anh em phải nín thở hàng chục phút mới may mắn thoát nạn. May mà lúc đó nó bỏ đi đường khác, không thì anh em đã hết đường về quê.
Dù thất bại, nhưng chuyến xuất ngoại săn trầm đã để lại nhiều bài học quí. Anh Cảnh bảo, nếu có điều kiện, vẫn sẽ sang lại Malaysia. Linh cảm trong anh vẫn mách bảo rằng, ở đâu đó trong cánh rừng nguyên sinh Malaysia còn đang vùi lấp những ký kỳ nam. Và biết đâu, chỉ một lần, số phận sẽ mỉm cười với anh?
Theo CADN